Đến xã Tà Nung, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng hỏi thì không ai không biết ông Phạm Văn Tài – Chi hội trưởng Chi hội Nông dân xã Tà Nung. Ông nổi tiếng bởi sự mạnh dạn và quyết đoán trong làm nông nghiệp, người tiên phong trong việc đưa hệ thống tưới nhỏ giọt vào trồng hoa đồng tiền ở Tà Nung.
Dẫn phóng viên đi thăm gian nhà kính rộng 7.000 m2, ông Tài nhớ lại: “Vào Lâm Đồng từ năm 2008, sau khi để vợ con ở lại mảnh đất Hưng Yên, tôi mua hơn hai sào cà phê để làm, nhưng sau đó lại thấy vất vả và năng suất thấp nên đã phá bỏ cà phê rồi quyết trồng hoa đồng tiền để làm giàu”.
Lão nông Phạm Văn Tài bên vườn hoa đồng tiền. Ảnh: L.N
Nhiều năm ở Hưng Yên trồng rau, nên sau khi đi những bước đầu trong ngành hoa tại thủ phủ của các loài hoa, ông Tài tỏ ra khá nhanh nhạy, nắm được các yêu cầu kỹ thuật cũng như cách chăm sóc hoa đồng tiền. Đến năm 2010, ông Tài đã đón vợ cùng các con vào Lâm Đồng để cùng trồng hoa và đã làm được những gian nhà kính đầu tiên.
Cùng thời gian đó, ông đã “lân la” đến các nhà vườn trồng hoa lâu năm ở làng hoa Vạn Thành để học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật cũng như cách chăm sóc cho cây hoa đồng tiền. Đến nay, lão nông đã là Chi hội trưởng Chi hội Nông dân xã Tà Nung, được đi tham quan nhiều mô hình và dự các lớp tập huấn sẽ giúp ông vững vàng về kiến thức để truyền lại cho các thành viên trong chi hội của mình vươn lên làm ăn chính đáng.
Tiên phong trong áp dụng công nghệ
Hiện tại, mỗi ngày gia đình ông Tài thu hoạch trên 6.000 cành hoa đồng tiền, những ngày lễ tết có thể lên đến mười ngàn cành. Những ngày bình thường giá hoa chỉ khoảng 1 ngàn đồng/cành thì mỗi tháng gia đình ông cũng thu về 100 triệu đồng khi đã trừ hết các chi phí, chăm sóc, thuốc, phân…
Hiện tại, gia đình ông áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, với công nghệ tưới này gia đình ông đỡ được rất nhiều chi phí về thuốc, nhân công, thời gian…đặc biệt vườn rất ít cỏ sẽ giúp người trồng nhàn nhã hơn. Hệ thống nhà kính của ông làm hoàn toàn bằng tre, không làm bằng giàn sắt. Bởi theo ông nếu địa hình đất không bằng phẳng, lộng gió, nếu có gió to thì giàn sắt sẽ bị tốc mái. Nhưng nếu làm bằng tre thì giàn mái sẽ có độ “giãn”, không như giàn bằng sắt, cứng và không thể chịu được nếu gió quá to.