Thanh toán bằng mã QR đang dần trở nên phổ biến hơn trong khoảng vài năm trở lại đây. Bạn có thể dùng mã QR trong các ứng dụng ví điện tử để trả tiền khi đi mua sắm, ăn uống. Bạn có thể dùng mã QR để thanh toán cho giao dịch online của mình. Thậm chí bạn có thể dùng để trả tiền qua các dịch vụ mua bán trên Facebook.
Thanh toán bằng mã QR là gì?
QR Code viết tắt cho chữ Quick Response Code. Mã QR bạn hay thấy trên mạng giúp người sử dụng tải một nội dung chữ ngắn hay truy cập nhanh vào một trang web. Trong mảng thanh toán, mã QR có một quy chuẩn riêng gọi là EMV QRCPS (EMV QR Code Specification for Payment Systems). Đây là một chuẩn đặc tả dùng chung cho mọi ngân hàng và tổ chức vận hành hệ thống thanh toán QR để đảm bảo tính thống nhất và hạn chế sai sót.
Mỗi mã QR quét ra sẽ có 18 trường thông tin. Theo tài liệu QRCPS, 18 trường này thể hiện những thông tin như phiên bản mã QR được sử dụng là gì, thông tin của cửa hàng / đơn vị chấp nhận thanh toán, loại dịch vụ đơn vị kinh doanh, tiền tệ, số tiền, phí, mã thành phố…
Mã QR có thể dùng cho từng sản phẩm, hoặc dùng chung cho cả cửa hàng. Với mã QR cho sản phẩm thì bạn không cần nhập số tiền thanh toán, còn với QR cho cửa hàng thì tiện hơn cho việc thanh toán nhưng bạn phải nhập số tiền chi tiết của hóa đơn.
Ngoài thanh toán, mã QR còn có thể dùng để chuyển khoản, tương tự như cách mà các ví điện tử cho phép bạn quét mã vạch để chuyển khoản cho người khác.
Thanh toán QR tiện hơn so với thanh toán thẻ ra sao?
- Nhanh hơn: việc quét mã QR nhanh hơn vì bạn chỉ cần đưa điện thoại lên quét một lần là được, không cần lấy thẻ ra, chờ nhân viên cà thẻ và nhập lại mã PIN (trong trường hợp sử dụng thẻ ATM). Khi mua hàng trên mạng, bạn cũng không cần phải tự nhập các trường thông tin thẻ như họ tên, số thẻ, ngày hết hạn, mã bảo mật CVV…
- An toàn hơn: bạn không phải đưa thẻ cho nhân viên quét (có nguy cơ tiềm ẩn bị chụp lại và phát tán). Tự bạn sẽ cầm điện thoại để quét mã thanh toán. Khi thanh toán online, bạn cũng không cần phải nhập thông tin thẻ nên rất an tâm, loại bỏ nguy cơ thông tin thẻ bị trộm và rao bán trên mạng.
Một số ứng dụng thanh toán còn nâng cao bảo mật bằng cách yêu cầu bạn phải nhập mã bí mật hoặc xác thực sinh học (vân tay, nhận diện gương mặt…) rồi mới cho tiến hành thanh toán để đảm bảo người thực hiện thao tác thanh toán là chính bạn.
- Luôn có bên người: xác suất bạn để quên thẻ ở nhà có lẽ cao hơn so với việc bạn để quên điện thoại. Việc thanh toán chỉ với điện thoại sẽ thuận tiện hơn bao giờ hết cho người sử dụng.
- Giảm chi phí máy POS:Với các đơn vị bán hàng, chủ doanh nghiệp sẽ không phải tốn chi phí trang bị máy POS để quẹt thẻ và các chi phí phát sinh như bảo trì, thay giấy, mực in… Các ngân hàng cũng dễ dàng triển khai hình thức thanh toán này tới nhiều tỉnh thành với chi phí thấp hơn.
Tiềm năng của thanh toán bằng mã QR
Thanh toán bằng QR Code ở Việt Nam chỉ mới bắt đầu những bước đi đầu tiên, trong khi ở Trung Quốc, Ấn Độ đã áp dụng phương thức này khá lâu. Ở Trung Quốc, hầu hết các cửa hàng, dù là một quán ăn bình dân cũng chấp nhận thanh toán bằng mã QR. Nhiều cửa hàng còn từ chối thanh toán tiền mặt vì đòi hỏi
Hai ứng dụng hỗ trợ thanh toán mã QR lớn nhất Trung Quốc là WeChat Pay của Tencent, họ có hơn 900 triệu người dùng, và Alipay của Alibaba với hơn 500 triệu người dùng.
Tại Nhật, nhiều cửa hàng cũng đã triển khai mã QR. Với những cửa hàng không hỗ trợ thanh toán theo kiểu này sẽ phải đối mặt với nguy cơ giảm doanh thu do khách không tới mua (vì họ không được thanh toán theo cách tiện lợi nhất có thể).
Điều này cho thấy tiềm năng của việc thanh toán bằng mã QR là rất lớn, mở ra nhiều cơ hội cho các ngân hàng, ví điện tử và nhà bán lẻ, nhằm thúc đẩy thanh toán không tiền mặt.